Khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá”, thầy giáo cấp 2 sản xuất rượu từ trái thanh long

Thứ tư - 03/10/2018 11:44
“Nhờ có được công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, bây giờ chỉ cần 3-4 tháng là tui có thể cho ra lò 1 mẻ rượu vang từ trái thanh long”, anh Trọng nói.
ANH BAI THAY GIAO SX RUOU THANH LONG 3 768x449
ANH BAI THAY GIAO SX RUOU THANH LONG 3 768x449
1
Sản phẩm rượu thanh long của thầy giáo Trọng

Bị chê “khùng” vẫn mày mò làm rượu thanh long

Về xã Long Trì, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) hỏi thăm ông giáo Trọng sản xuất rượu từ trái thanh long, mấy vị bô lão cười ngất, nói: “Hồi thầy giáo mới bắt tay sản xuất rượu từ trái thanh long, dân trong vùng ai cũng nói ổng bị “khùng”. Nhưng bây giờ rượu thanh long của ổng ngon có tiếng, người ta nể ổng lắm”.

Xưởng sản xuất rượu thanh long của thầy giáo dạy cấp 2 Trần Quốc Trọng (SN 1977, thâm niên gần 20 năm giảng dạy bộ môn Hóa – Lý) khá đơn giản, chỉ với 100 chiếc bồn inox sáng loáng và các loại máy cắt, nấu, sấy, quay ly tâm, làm lạnh thanh trùng, tách hạt… Thầy Trọng nói, những chiếc bồn inox là nơi ủ cho rượu chín và dây chuyền sản xuất này trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhưng anh chỉ phải mua duy nhất chiếc máy làm lạnh thanh trùng, những thiết bị khác đều do anh tự mày mò trên mạng internet rồi sáng chế, thuê thợ sản xuất, lắp ráp.

“Hiện nay dây chuyền sản xuất được 10.000 lít/năm, với 4 loại sản phẩm có độ cồn từ 13 – 29%, nhưng chỉ bằng 1/5 công suất thiết kế. Với tỉ lệ 5kg trái thanh long thu được 1 lít rượu, tui không sợ thiếu nguyên liệu sản xuất, bởi nhà máy của tui nằm trên vùng chuyên canh thanh long hơn 10.000ha của huyện Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang). Sở dĩ không thể sản xuất hết công suất thiết kế vì tôi còn bận đi dạy học và… thiếu vốn đầu tư”, thầy Trọng phân trần.

Thầy Trọng cho biết ngoài việc đi dạy học, ở nhà anh còn canh tác hơn 10.000m2 đất trồng thanh long. Nhiều lần chứng kiến nhà vườn trong vùng (và cả vườn nhà anh) lập đi lập lại điệp khúc “được mùa, dội chợ, rớt giá”, thầy Trọng suy nghĩ: nếu chế biến loại trái cây đặc sản này thành các sản phẩm có giá trị gia tăng thì chắc chắn chuyện “được mùa, rớt giá” của trái thanh long sẽ chấm dứt, vì không còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc. Nhưng suy nghĩ mãi mà thầy Trọng cũng không biết phải chế biến trái thanh long thành sản phẩm gì có giá trị, trong khi tới mùa thu hoạch rộ thì trái loại 3, loại 4 lắm lúc bị nhà vườn đổ bỏ ê hề, cho bò ăn không hết.

Thầy giáo Trọng kể chuyện làm rượu thanh long

Những lần được đi dự hội thảo khoa học về cây ăn trái, nghe các nhà khoa học đề cập chuyện chế biến trái cây, thầy Trọng nảy ra ý tưởng: người ta làm được rượu từ trái nho, trái táo, sao mình không thử làm rượu từ trái thanh long? Từ suy nghĩ đó, năm 2011 thầy Trọng bắt đầu tìm tòi trên mạng internet học cách sản xuất rượu từ trái cây, kết hợp với vốn kiến thức Hóa – Lý đã được trang bị để dạy học để tập nấu rượu thanh long. Hầu như tuần nào Trọng cũng làm rượu, hết giờ dạy học là về nhà tự sản xuất rượu. Lúc đầu thầy Trọng ủ, ngâm rượu thanh long theo cách truyền thống gồm 1 lớp thanh long, 1 lớp đường, 1 số loại men rượu và… hỏng, dù anh đã thử đi thử lại vài lần với nhiều công thức khác nhau. Không nản chí, năm 2011 thầy Trọng xây cái xưởng nhỏ để tiếp tục thử nghiệm ngâm, ủ rượu một cách bài bản hơn, nhưng vẫn thất bại.

“Mỗi lần sản xuất rượu tui tự sáng tạo ra cách làm, công thức khác nhau, nhưng đều cho kết quả giống nhau là… không thu được giọt rượu nào. Số lần thất bại không thể đếm xuể, đã có lúc tui tính bỏ cuộc, bởi lúc đó tốn quá nhiều tiền, vợ cằn nhằn, làng xóm gièm pha nói tui… bị khùng”, thầy Trọng nhớ lại.

Trong lúc chuyện thầy giáo cấp 2 tự mày mò sản xuất rượu thanh long liên tiếp thất bại trở thành “tiếu lâm thời đại” trên vùng chuyên canh thanh long thì những chuyên gia về rượu trái cây hay tin. Năm 2012, Trọng may mắn được các chuyên gia đến tận nơi tìm hiểu, giúp đỡ kinh nghiệm, kỹ thuật, thầy Trọng quyết định hợp tác với các nhà khoa học ở Tiền Giang để nghiên cứu hoàn thiện công thức sản xuất rượu thanh long.

“Hồi đó cực nhọc lắm. Tui phải đem toàn bộ dụng cụ sản xuất qua bên Tiền Giang, sau đó hết giờ dạy ở trường thì đi hơn 20km đến nơi nghiên cứu thử nghiệm để làm rượu, tối mịt mới về tới nhà. Phải mất gần 1 năm với hàng trăm lần qua lại Long An – Tiền Giang, tui và các nhà khoa học mới tìm ra công thức hiệu quả nhất và thu được những mẻ rượu đầu tiên, có thể để lâu dài mà không bị hư hỏng”, thầy Trọng nhớ lại.

Kể về quy trình sản xuất rượu từ trái thanh long, thầy Trọng cho biết: Phải bóc vỏ sạch sẽ rồi đưa vào xay nhuyễn phần thịt trái, sau đó tách hạt, tách nước bằng máy ly tâm. Phần nước cốt thanh long đem pha trộn với đường, một số loại men và các phụ gia thực phẩm theo công thức riêng rồi đưa vào làm lạnh, cuối cùng đem ra ủ trong bồn inox. Sau 2 năm ủ cho chín thì rượu có thể xuất bán với mùi thơm dịu nhẹ, đặc trưng.

Năm 2013, sau khi thử nghiệm nhiều lần và thu được những mẻ rượu ổn định, thầy Trọng quyết định dồn hết vốn liếng của gia đình đầu tư thiết kế máy móc, dây chuyền sản xuất. “Mỗi tháng tui đều sản xuất rượu thanh long, nhưng rượu của tui chỉ bán loanh quanh trong tỉnh. Sau đó tui đem rượu đi chào hàng ở các nhà hàng, khách sạn, với hy vọng được thị trường chấp nhận. Bất ngờ vào tháng 11/2016 các chuyên gia từ Hàn Quốc sau khi dùng thử rượu thanh long của tui đã đến tận nơi tìm hiểu quy trình làm rượu và đồng ý hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại. Nhờ công nghệ của Hàn Quốc mà hiện nay rượu chỉ cần ủ từ 3 – 4 tháng là đã có sản phẩm cung cấp cho thị trường”, Trọng kể.

Trọng hy vọng với sản phẩm rượu, nhà vườn sẽ sản xuất trái thanh long sạch, an toàn và chấm dứt cảnh “được mùa, rớt giá” triền miên

Từ rượu, nhà vườn sẽ trồng thanh long sạch, an toàn

Bây giờ trái thanh long ruột trắng hay ruột đỏ lọt vào tay thầy Trọng đều có thể trở thành rượu đặc sản. Nhưng điều quan trọng nhất trong quy trình sản xuất rượu là trái thanh long nguyên liệu phải tuyệt đối sạch, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, nếu bị nhiễm thuốc thì sẽ hư cả mẻ rượu. Theo thầy Trọng, giá bán 1 lít rượu trên thị trường hiện nay là 270.000đồng, ra lò bao nhiêu là hết sạch bấy nhiêu, nhưng anh chỉ lãi khoảng 20.000đồng/lít, bởi chi phí sản xuất rất cao, riêng nút chai phải mua 4.000đồng/chiếc, vỏ chai gần 20.000đồng/chai.

Hiện tại sản phẩm rượu vang thanh long của Trọng có mặt ở các kênh phân phối như bán lẻ ở các cửa hàng, bán cho khách du lịch, cung ứng cho thị trường quà biếu… “Gần đây 1 doanh nhân người Úc chuyên nhập khẩu, phân phối các mặt hàng rau quả đã đến tận nơi ngỏ lời hợp tác đưa sản phẩm rượu vang thanh long xuất khẩu qua Úc. Họ nói đã dùng thử rượu và thấy sản phẩm rượu vang từ trái thanh long độ cồn nhẹ, sản xuất hoàn toàn từ trái cây tươi, nên dù uống nhiều cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng tui chưa dám nhận vì cảm thấy chưa đủ sức đáp ứng”, thầy Trọng cho biết.

Theo thầy Trọng, hiện tại nếu nhà máy chạy hết công suất sẽ cho ra lò 50.000 lít rượu/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu là 250 tấn trái thanh long/năm. 1 con số thực ra không lớn, nhưng người trồng thanh long có thể yên tâm đem hàng loại 1, loại 2 bán xuất khẩu, bán ra thị trường ăn tươi, loại 3 – loại 4 thường đổ đống bán với giá rẻ mạt hay đổ bỏ sẽ bán cho anh làm rượu.

“Nếu có nguồn vốn dồi dào để mở rộng sản xuất, tiêu thụ nguồn nguyên liệu nhiều hơn thì sản phẩm rượu thanh long có thể giảm thiểu chuyện “được mùa, mất giá” triền miên. Hơn nữa, do trái thanh long nguyên liệu làm rượu không được nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên nhà vườn muốn cung cấp nguyên liệu cho tui sẽ phải tuân thủ các quy trình canh tác sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, điều mà người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm”, thầy Trọng hào hứng.

An Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây